BÀI TUYÊN TRUYỀN GIỚI THIỆU SÁCH THÁNG 10:
NGƯỜI MẸ CỦA MỘT THIÊN TÀI
Kính thưa các thầy, cô giáo cùng toàn thể các bạn học sinh!
Thật không gì ý nghĩa và nhân văn hơn khi suốt mấy chục năm qua, dân tộc đã dành ngày 20 - 10 hằng năm để tôn vinh phụ nữ Việt Nam. Không đáng tôn vinh sao được khi trong bất cứ lĩnh vực nào từ lao động, chiến đấu đến đời sống gia đình, hoạt động xã hội mà lại không có bóng dáng của người phụ nữ chịu thương, chịu khó và biết hy sinh.
Ngày nay, phụ nữ đã vươn xa, thực sự hòa nhập mạnh mẽ vào xã hội với bao công việc, trọng trách mà gần như sự khác biệt về giới tính không còn là ranh giới cố hữu. Từ đấy, vẻ đẹp kinh điển của người phụ nữ trong các tác phẩm nghệ thuật không chỉ là chất mỹ miều, mềm mại mà còn là nét đẹp của sự lao động sáng tạo, sự vươn lên và hòa mình trong thực tế sống động của xã hội.
Thật khó để tìm được những từ ngữ để diễn tả sự hi sinh và tài đức của người phụ nữ trong xã hội xưa và nay. Để hiểu thêm về những đức tính cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam và có thêm cơ sở để hiểu sâu và yêu quý sách, đến với buổi giới thiệu sách hôm nay, bộ phận thư viện trường Tiểu học Tân Phong xin giới thiệu đến các thầy cô giáo và các bạn học sinh trong trường cuốn sách hay viết về người mẹ.
Kính thưa quý vị và các bạn! trong cuộc đời của chủ tịch Hồ Chí Minh những lời dạy và kỷ niệm về mẹ luôn vô cùng thiêng liêng. Bác luôn nhớ về mẹ với tình yêu thương tha thiết, với Bác bà Hoàng Thị Loan là hình mẫu của người mẹ tảo tần với đức hy sinh thầm lặng và trái tim dịu dàng lòng nhân ái bao la. Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã tỏ lòng tri ân thân mẫu Bác khi viếng mộ bà: "Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc với cụ, người đã có công sinh thành và nuôi dưỡng chủ tịch Hồ Chí Minh- người đã mang lại vinh quang cho đất nước Việt Nam, người mà mọi người Việt Nam từ thế hệ này đến thế hệ khác sẽ mãi mãi ghi ơn. Để hiểu thêm về cuộc đời của bà mẹ tuyệt vời này, hôm nay chúng ta sẽ cùng đến với cuốn sách "Người mẹ của một thiên tài" của tác giả Chu Trọng Huyến, chỉ với 152 trang Chu Trọng Huyến đã tái hiện lại cuộc đời của bà Hoàng Thị Loan từ thuở thiếu thời đến lúc rời cõi tạm vào năm 1901.
Bà Hoàng Thị Loan sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo có truyền thống yêu nước, hiếu học và giàu lòng nhân ái ở làng Hoàng Trù (tức làng Chùa) xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Cha bà là cụ Hoàng Xuân Đường, một thầy đồ đức độ, uyên thâm về Hán học và có tư tưởng tiến bộ, tuy vợ chỉ sinh được hai cô con gái, cụ Hoàng Xuân Đường vẫn giữ một tấm lòng thủy chung với vợ và rất mực yêu thương các con. Môi trường tốt đẹp của gia đình cùng với truyền thống văn hóa lâu đời của xứ sở Hồng Lam đã hình thành nên một Hoàng Thị Loan vẹn toàn công, dung, ngôn, hạnh. Thời ấy, con gái thường không được đi học nhưng sự thông minh và ham học của Loan đã thuyết phục được cha mình là ông Đường, bấy giờ cũng đang là thầy giáo, ông đã quyết tâm dạy chữ cho Loan, bất chấp mọi sự gièm pha của người đời. Khi đọc truyện, các bạn và các em sẽ thấy cô bé Loan học rất nhanh, ông Đường ngày một ngạc nhiên trước trí nhớ của con gái. Không chỉ học giỏi, Loan còn rất chăm chỉ sớm chiều đồng áng, về nhà thì bếp núc, lợn gà, cô còn khéo léo trong việc canh cửi. Hồi đó, những người phụ nữ thường tự dệt vải để may đồ cho người thân, họ tập trung ở những phường dệt, vừa dệt vải vừa hát đối đáp và người hát đối với họ là các Nho sĩ, thầy đồ, ở đó Loan luôn là người đặt lời hát cho các chị em, nhiều khi lời đối đáp của cô làm cho các Nho sĩ phải bí từ. Càng lớn lên, Hoàng Thị Loan càng xinh đẹp với gò mũi cao thanh thoát, cặp mắt xanh tròn mở to duyên dáng, thùy mị, nết na. Có biết bao chàng trai ao ước được kết tóc se duyên, từ cậu ấm quan con của cai Thiết giàu có đến cậu Lịch con trai nhà ông Tú Long lịch thiệp, siêng năng, có tiếng là trọng người gia phong nề nếp bao người dạm hỏi nhưng cô Loan chỉ đem lòng yêu thương cậu Nguyễn Sinh Sắc, nho sinh nghèo mới lên bốn tuổi đã mồ côi cả cha lẫn mẹ, người được gia đình bà đưa về nhà nuôi cho ăn học. Trước tình cảm tốt đẹp của các con, cụ Hoàng Xuân Đường đã vượt qua lễ giáo phong kiến và cho phép Nguyễn Sinh Sắc làm con rể của mình. Năm 1883, đám cưới được tổ chức tại làng Hoàng Trù, hai cụ đã dựng ngôi nhà tranh ba gian trong vườn nhà mình để cho đôi vợ chồng mới cưới có chỗ ở riêng, trong suốt những năm gắn bó tha thiết với chồng với con với gia tộc và làng nước, bà Hoàng Thị Loan đã thể hiện đầy đủ các đức tính đáng quý của người phụ nữ Việt Nam. Với tấm lòng cao đẹp của một bà mẹ không cam chịu để con mình quá thiếu thốn, với quyết tâm của một bà vợ không muốn chồng phải ngừng học tập vì thiếu cơm ăn mà bà đã làm tất cả những gì có thể được thuộc thiên chức của một người mẹ, người vợ cần cù, chịu đựng âm thầm gánh lấy những trĩu nặng của hoàn cảnh hy sinh cho chồng, cho con với 1 niềm tin trong sáng như đóa hoa đại huệ lặng lẽ tỏa hương thầm trong đêm. Khi sinh ra cậu bé Nguyễn Sinh Cung, bà Loan rất hạnh phúc, bà đã đặt ra những lời ru với bao yêu thương dành cho bé Cung:
"Nước Lam Giang tuôn dài ra bể
Non Hồng Lĩnh giữ thế cao xanh
Làm trai trả nghĩa sinh thành
Giang sơn gánh vác xứng danh với đời"
Bà những mong con sẽ được học những bài học khai tâm đầu tiên từ ông ngoại nhưng tiếc thay, Cung chưa đầy ba tuổi thì cụ Hoàng Xuân Đường đã qua đời.
Sau khi sinh được ba người con: con gái là cô Thanh, con trai là Tất Thành và Tất Đạt bà rời làng Hoàng Trù quê ngoại, đưa hai con trai theo chồng đi bộ vào kinh thành Huế xa xôi để nhận chức. Hình ảnh người vợ chân đi dép mo cau, vai quẩy đôi gánh, một bên là con nhỏ, một bên là cả gia tài mang theo. Vượt qua bao suối, bao đèo, giữa những cơn mưa rào, giữa những ngày nắng gắt trên đường vào kinh đô Huế không bao giờ phai mờ trong tâm trí của ông Nguyễn Sinh Sắc. Cuộc sống, hoàn cảnh của gia đình bà lúc ấy rất khó khăn, nhất là những lúc ông đi Kinh lý xa. Tuy vậy bà vẫn cố gắng làm lụng, chăm sóc dạy dỗ các con theo cách riêng của mình, là một người biết ít nhiều chữ thánh hiền, bà Hoàng Thị Loan đã dành rất nhiều tâm sức để truyền thụ cho con những hiểu biết ban đầu về thế giới tự nhiên và xã hội, tất cả những câu hỏi ngây thơ, ngộ nghĩnh của con đều được bà tìm cách trả lời rõ ràng, cặn kẽ, dễ hiểu. Là một người mẹ cần cù, chăm chỉ, bà đã dạy cho con biết yêu lao động, biết làm những công việc phù hợp với sức lực và lứa tuổi của mình một cách mê say chịu khó và sáng tạo, tự lập trong cuộc sống. Ở đây, bà sinh thêm cậu bé Xin, những vất vả, khó khăn đã chất nặng lên trên đôi vai mảnh mai của người phụ nữ trẻ ấy. Quá sức chịu đựng, dù rất yêu con, thương chồng nhưng bà không cưỡng lại được số phận, bà Hoàng Thị Loan đã ra đi vào năm 1901 khi vừa mới 33 tuổi đời, giao lại cho người đời tất cả.
Thư viện trường Tiểu học Tân Phong trân trọng giới thiệu cuốn sách "người mẹ của một thiên tài" của tác giả Chu Trọng Huyến, hy vọng sẽ giúp quý vị và các bạn có thêm tư liệu để tìm hiểu về cuộc đời bà Hoàng Thị Loan người mẹ kính yêu của Bác Hồ- một thiên tài của dân tộc.